Hotline HINO : 0918 254 493 - VẬN TẢI : 0908 679 468

  • Tiếng việt
  • _lang_en

TÌNH HÌNH TAI NẠN LAO ĐỘNG NĂM 2023 GIẢM Ở MỘT SỐ CHỈ SỐ CHÍNH


Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo thông tin về tình hình tai nại lao động, bệnh nghề nghiệp và tuyên truyền Tháng hành động về về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2024 do Cục An toàn Lao động (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) tổ chức vào ngày 27/3/2024


Quang cảnh buổi họp báo

Cụ thể, theo báo cáo của Cục An toàn Lao động, so với năm 2022, tình hình tai nạn lao động năm 2023 giảm ở một số chỉ số chính, bao gồm số vụ, số người chết, số người bị tai nạn lao động nặng. Trong đó, tai nạn lao động chết người giảm 8,06% số vụ, giảm 7,29% số người chết; giảm 4,2% số vụ tai nạn, giảm 4,7% số người bị tai nạn lao động. Trong khi đó, tai nạn lao động trong khu vực có quan hệ lao động có chiều hướng giảm mạnh số vụ, số người chết và bị thương. Cụ thể, số vụ có người chết giảm 11,44%, số người chết giảm 10,92%. Còn tai nạn trong khu vực không có quan hệ lao động lại có chiều hướng tăng nhẹ sau 4 năm giảm liên tiếp.

Tuy nhiên, theo bà Chu Thị Hạnh, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH ), công tác ATVSLĐ vẫn còn một số vấn đề tồn tại. Số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp, số sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại.

Năm 2023, trên toàn quốc xảy ra 7.394 vụ tai nạn lao động làm 7.553 người bị nạn, trong đó có 1.720 người bị thương nặng; 662 vụ tai nạn chết người, làm 699 người chết. Tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản gần 16.357 tỷ đồng và hơn 149.770, chỉ tính riêng trong khu vực có quan hệ lao động. Diễn biến tình hình tai nạn lao động trong khu vực có quan hệ lao động có dấu hiệu gia tăng về số vụ và người bị nạn.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều người sử dụng lao động chưa quan tâm, chú ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro; nhiều người lao động chưa được huấn luyện ATVSLĐ, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn đầy đủ và tác phong công nghiệp còn rất hạn chế, chủ quan. Công tác thông tin, tuyên truyền an toàn, vệ sinh lao động cho khu vực không có quan hệ lao động  đang bị hạn chế nhiều về nguồn lực. Chính quyền cơ sở ở một số nơi cũng chưa thực sự quan tâm, dành nguồn lực cho công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Nhằm tăng cường kiểm soát tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, góp phần hưởng ứng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững, năm 2024, Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân năm 2024 sẽ được tổ chức từ ngày 1 - 31/5 với chủ đề "Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng".

Trong tháng hành động, nhiều hoạt động ở trung ương, địa phương sẽ diễn ra như Triển khai Chỉ thị 31-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác ATVSLĐ; đối thoại của hội đồng quốc gia và cấp tỉnh về ATVSLĐ; thăm hỏi nạn nhân tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tổ chức các hoạt động thanh kiểm tra, tự kiểm tra tại doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động...

Lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng công nhân năm 2024 tại Trung ương sẽ chính thức được tổ chức vào ngày 26/4/2024 tới đây.
Tại Lễ phát động, Ban chỉ đạo sẽ trao 8 suất quà cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có hoàn cảnh khó khăn. Sau Lễ phát động, Ban chỉ đạo sẽ chia thành 04 đoàn do lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH ,  Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam làm trưởng đoàn đi thăm hỏi, tặng quà cho các nạn nhân, gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Việt Dũng

 

Nguồn : http://antoanlaodong.gov.vn/vi/tintuc_chitiet/truyen-thong/tinh-hinh-tai-nan-lao-dong-nam-2023-giam-o-mot-so-chi-so-chinh

 

Bài viết khác